Ông Trần Bình, GĐ Cty Phân bón Anh Phương (Đồng Nai) cho biết, lâu
nay thị trấn Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk là “đầu mối” tập kết phân bón của hầu
hết các DN phân bón từ các tỉnh miền Đông Nam bộ lên Tây Nguyên tiêu
thụ. Mấy ngày đầu tháng 4, tiền vận chuyển từ TP.HCM lên thị trấn Buôn
Hồ (cách TP.HCM khoảng 420 km) từ 400 ngàn/tấn đã tăng lên 600 ngàn/tấn
do Bộ GT-VT siết chặt tải trọng.
“Một chiếc xe có trọng tải 15 tấn nếu chở đúng thì không đủ chi phí
xăng xe, nhân công, thuế đường bộ, khấu hao. Nay buộc lái xe phải chở
đúng tải trọng thì DN phân bón liên đới cũng khổ,
bởi vì mình không tăng giá cước thì họ không chịu vận chuyển” – ông Bình nói.
Anh An, một tài xế xe tải ở quận 5, TP.HCM, thường chở phân bón cho Cty
Anh Phương lên thị trấn Buôn Hồ giao cho đại lý cấp 1 cho hay, trọng
lượng xe tải của anh đăng ký 15 tấn nhưng mỗi lần vận chuyển thì phải
chở gấp 2 lần như thế để giảm chi phí. Thế nên, tiền vận chuyển trước
đây bình quân 400 ngàn/tấn, nay hạ tải thì bên DN phải nâng số tiền vận
chuyển lên chúng tôi mới chịu đi” – anh An nói.
Chị Lý, một đại lý bán phân bón ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh
Đồng Nai cho biết thêm, có trường hợp các DN bán đứt phân bón ngay tại
kho nhà máy, nhất là các DN có thương hiệu, nên cước vận chuyển trên
đường đi là do đại lý phải gánh chịu.
“Bây giờ các trạm cân phạt xe quá tải cũng đồng nghĩa với việc muốn vận
tải phân bón không bị phạt thì chúng tôi phải đi nhiều lần, thay vì một
chuyến thì nay phải 2 – 3 chuyến. Điều này bắt buộc các đại lý cấp 1
phải tăng giá bán phân khi đưa xuống các cửa hàng cấp 2, cấp 3. Rõ ràng,
cứ mỗi nơi “ngắt” một tí thì cuối cùng người nông dân cũng phải “ôm”
hết”.
Theo ông Trần Văn Châu (GĐ Cty TNHH XNK Phân bón Âu Châu – Long An),
các ngành SX phân bón và dịch vụ vận tải đã và đang liên tục phát triển
do có sự cạnh tranh nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Vì vậy,
người nông dân đã được sử dụng nhiều sản phẩm phân bón và dịch vụ với
giá thành hợp lý.
Tuy nhiên, phải nói rằng giá thành của hầu hết các sản phẩm phân bón
hiện nay đều có liên quan ít nhiều đến tình trạng xe chở quá tải.
Vì vậy, khi cước vận tải tăng sau thời điểm 1/4, thì nhà nước cần phải
có các giải pháp khác đồng bộ hơn trong việc kiểm soát tải trọng xe,
nhất là có lộ trình với những bước đi thích hợp để các DN vận tải điều
chỉnh giá cước, các DN SX phân bón điều chỉnh lại giá thành SX.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét