Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Giá cà phê dao động khó lường.

Giá cà phê nhảy nhót trên sàn kỳ hạn: khi tăng 80 đô la Mỹ, lúc giảm 50, rồi lại tăng 50 đô la/tấn… Giá thị trường nội địa chạy theo muốn hụt hơi, mua bán càng rủi ro do giá dao động thất thường. Hình như các biến động vừa qua là để làm giá nội địa mềm hơn nhằm dễ mua hàng.

Giá cà phê nội địa tăng theo không kịp sàn kỳ hạn

bieu do gia ca phe robusta liffe
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE nửa đầu tháng 12-2013 (tác giả cập nhật)
Tuần qua, giá nội địa đã được dịp tăng lên mức cao kỷ lục, đạt 36.500 đồng/kg vào sáng thứ Tư 11-12-2013, cao hơn cuối tuần trước 2.000 đồng, nhưng vẫn thấp hơn giá đỉnh 46.000 đồng của niên vụ trước, chấm dứt vào ngày 30-9-2013.
Khi giá lên đến mức trên 36.000 đồng, nhiều người đua nhau bán. Ngay lập tức, giá đảo chiều, đến hôm thứ Năm 12-12, giá nội địa chỉ còn 35.500 đồng/kg.
Giá cà phê tăng quá nhanh, tôi trở tay không kịp vì đang bận thu hái. Tiếc thật!”, một nông dân tại Bảo Lộc cho biết. Nhiều người còn nghĩ rằng mức giá 36.500 đồng/kg chính là cơ hội. Một người khác lấy tên “phantrongnghia” đã đưa ý kiến của mình lên một trang mạng cung cấp tin cà phê vào ngày 11-12: “Cơ hội bán đã qua…Thị trường cà phê hiện tại quá nhiều rủi ro để giữ mức 35.500-36.000 đồng. Bà con nông dân nên coi hoàn cảnh kinh tế mà tính toán mức nào hợp lý (để bán)”. Như vậy, mức kỳ vọng cho đợt tăng này có cao hơn đợt trước chừng 1.000 đồng/kg. Sức bán ở khu vực này đủ mạnh để ngăn đường tăng lên của sàn kỳ hạn trong những ngày cuối tuần dù sàn cố rướn cao thêm.
Giá kỳ hạn đóng cửa phiên cuối tuần khuya hôm qua thứ Sáu 13-12 tháng giao ngay chốt mức 1.816 đô la Mỹ/tấn, tăng 95 đô la và tháng 3-2014 đạt mức 1.799 đô la, tăng 105 đô la/tấn so với tuần trước. Giá nội địa hôm nay thứ Bảy 14-12 giao dịch quanh mức 36.000 đồng/kg, cao hơn mức cuối tuần trước 1.500 đồng/kg.
Cấu trúc giá kỳ hạn tiếp tục ở thế nghịch đảo (inverted) tức giá tháng giao ngay cao hơn tháng giao xa. Đến hết phiên giao dịch hôm qua 13-12, giá tháng 1-2014 cao hơn tháng 3-2014 là 17 đô la và 86 đô la cao hơn tháng 5-2014 (xin xem biểu đồ với đường màu đỏ biểu thị tháng 1 và màu xanh tháng 3-2014).
Tuy nhiên, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho rằng cú nhảy giá vừa qua là một đợt tăng cực nhanh và mạnh nên ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững. “Từ đầu vụ đến nay, do không mua được hàng vì giá bán dựa trên mức chênh lệch (differential) cao, thường phải mua với giá bằng hay cộng so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn, người mua buộc phải đẩy giá tăng nhanh và mạnh để kéo giãn giá chênh lệch cho phù hợp với giá mua của họ”, ông giải thích.
Thật vậy, dù ngày 11-12, giao dịch trên sàn kỳ hạn tăng 80-90 đô la/tấn, nhưng giá nội địa mức cao nhất cũng chỉ tương đương với 1.725 đô la/tấn hay trừ 125-130 đô la/tấn dưới giá niêm yết. Đây có lẽ là mức bán chênh lệch hay thị trường còn gọi là “giá trừ lùi” thấp nhất tính từ hơn hai năm nay.

Trò chơi “trốn tìm”

ton kho ca phe robusta liffe
Biểu đồ 2: Tồn kho robusta được sàn Liffe NYSE công nhận (tác giả tổng hợp)
Báo cáo ra hai tuần một lần của sàn Liffe NYSE nói rằng tính đến hết ngày 9-12, tồn kho robusta đã được sàn này công nhận chất lượng giảm 14.480 tấn, chỉ còn 31.420 tấn. Đây là mức tồn kho thấp nhất tính từ tháng 12-1999 đến nay và giảm trên 70% so với cách đấy 52 tuần (xin xem biểu đồ 2).
Lượng tồn kho robusta của sàn giảm mạnh có thể là tác nhân tăng giá vào ngày 12-12 và chứng tỏ rằng lượng hàng bán ra từ các nước sản xuất trong kỳ báo cáo rất hạn chế.
Trong khi đó, tồn kho arabica được sàn Ice công nhận chất lượng tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức rất cao so với robusta. Tính đến hết ngày 12-12, tồn kho loại này còn 159.895 tấn, trong đó ước có chừng 105 ngàn tấn đang nằm tại châu Âu và số còn lại ở Bắc Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết nhập khẩu cà phê nhân tháng 10-2013 của nước này đạt 1,738 triệu bao (60 kg x bao), tăng 6,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế lượng cà phê nhập khẩu vào Mỹ trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng Mười tăng 2,75% đạt 23,912 triệu bao , so với cùng kỳ cách đấy một năm là 23,271 triệu bao.
Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê Nhật Bản báo rằng tính đến hết tháng 9-2013, tồn kho tại nước này tăng thêm 751 tấn so với tháng Tám, đạt 179.044 tấn, là mức cao kỷ lục. So với cùng kỳ cách đấy một năm, tồn kho cà phê tại Nhật đã tăng 30%, bấy giờ chỉ 128.504 tấn.
nhap khau ca phe cua nhat ban
Biểu đồ 3: Theo dõi nhập khẩu cà phê của Nhật (nguồn: NewEdge)
Nhật Bản là nước tiêu thụ arabica chủ yếu. Song khi giá arabica cao, họ mua mạnh robusta chế biến ướt, chất lượng tốt và dịu để thay thế arabica. Nay Nhật vẫn đang tập trung nhập khẩu arabica. Trong kỳ, Nhật tăng cường nhập khẩu arabica loại thơm dịu của các nước châu Mỹ La tinh (xin tham khảo biểu đồ 3), tăng 2.110 tấn (màu xanh da trời) trong khi giảm mua arabica loại chế biến khô của Brazil (màu hồng).
Mỹ và Nhật Bản là hai nước nhập khẩu cà phê lớn trong khối các nước tiêu thụ. Nhật chỉ nhập một ít robusta để phối trộn, trong khi Mỹ mua nhiều robusta hơn, để chế biến cà phê hòa tan nhằm xuất khẩu và tiêu thụ một phần trong nước.
Nhìn thị trường từ góc độ tồn kho và nhập khẩu, hai loại cà phê đúng như đang chơi trò trốn tìm: trong khi robusta trốn thì arabica chạy khắp nơi tìm thị trường.

Các nước đối phó với khủng hoảng thừa

Đứng trước những đe dọa giá arabica còn rớt nữa do nông dân bán nhiều vì sản lượng tăng mạnh trong mấy năm nay và đồng real Brazil (BRL) mất giá kích thích xuất khẩu, có tin rằng chính phủ Brazil sẽ tăng cường mua thêm số lượng để giữ lại hàng thông qua chương trình quyền chọn bán, từ 3 triệu bao lên 5 triệu bao cho niên vụ tới. Đồng thời, chính phủ cũng chi 1 tỉ BRL để khuyến khích nông dân chuyển chừng 1 triệu héc ta cà phê sang đa canh hay xen canh để giảm áp lực khủng hoảng thừa cà phê, ông Janio Zeferino da Silva, Vụ trưởng Vụ Cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết.
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, giá cà phê thế giới đã giảm 51% do hầu hết các nước tăng sản lượng. Như vậy, muốn giữ giá chính phủ Brazil đã chọn con đường giảm diện tích và sản lượng, hoàn toàn ngược lại với chính sách của nước ta, tăng diện tích cà phê lên 600.000 héc ta thay cho kế hoạch cũ là 400.000 héc ta, và mới đây là 500.000 héc ta và đồng thời thực hiện chương trình tái canh tăng năng suất.
Tại Colombia, Bộ Tài chính đang lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ nông dân bằng cách bù giá dựa trên diện tích đất trồng đã đăng ký. Nghe rằng để giảm áp lực trợ giá arabica, chính phủ nước này đang khuyến khích nông dân trồng robusta.
Tin này có lẽ đã giúp cho giá các sàn kỳ hạn cà phê, đặc biệt sàn arabica tuần qua tăng 8,85 cts/lb hay 195 đô la/tấn.
Giá cà phê
Theo Nguyễn Quang Bình (SGTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét