Giá cà phê tăng mạnh trong suốt tháng qua và giá nội địa lên mức cao kỷ lục tính từ đầu niên vụ đến nay. Giá tăng nhờ tin hạn hán tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Hoạt động đầu cơ tranh thủ cơ hội đẩy giá lên trên các sàn kỳ hạn, có lợi cho nông dân.
Giá tăng do trời hạn
Giá cà phê nội địa sáng nay (1-3-2014) tại các tỉnh Tây Nguyên tăng
lên mức 39.000-39.000 đồng/kg, cao hơn cuối tuàn trước 1.000 đồng/kg, và
là mức cao nhất tính từ ngày đầu niên vụ 2013/14 đến nay.
“Mỗi ngày chúng tôi có thể mua cả ngàn tấn, bù cho trước đây, giá
thấp, lượng mua hạn chế”, một cán bộ thu mua của một công ty có nhà máy
tại tỉnh Đồng Nai nói. Thực vậy, lượng bán ra mạnh kể từ cuối tuần trước
khi giá chạm mức 38.000 đồng/kg. Có thể khi giá lên mức 40.000 đồng, sẽ
có một lực bán ra mạnh hơn nữa do giá đạt mức kỳ vọng của nhiều người,
một nhà phân tích ở TPHCM dự báo.
Nhờ giá nội địa tăng, mức chênh lệch giữa giá kỳ hạn và giá cà phê
nhân xô nội địa đang ở mức trừ chừng 180 đô la Mỹ/tấn. Hiện giá xuất
khẩu loại cà phê 2,5% đen vỡ đang quanh mức trừ 50-70 đô la/tấn FOB
(giao hàng tại cảng đi), giảm 10-20 đô la so với tuần trước.
Hôm qua, thứ Sáu 28-2 là ngày giao dịch cuối tuần và cuối tháng. Sàn
kỳ hạn robusta Liffe NYSE tại London tiếp tục tăng, đóng cửa cơ sở tháng
5-2014, nay là tháng giao dịch chính chốt mức 2.043 đô la Mỹ/tấn, tăng 9
đô la so với hôm trước, tăng 88 đô la so với tuần trước và tăng 264 đô
la so với tháng trước (xin xem biểu đồ phía trên – đường màu đỏ). Như
vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá robusta kỳ hạn đã tăng tới 429 đô
la/tấn.
“Hạn hán tại các vùng cà phê Brazil, nước sản xuất lớn nhất thế giới,
chủ yếu là arabica, đã kích giá sàn kỳ hạn New York tăng mạnh”, Kona
Haque, nhà phân tích thị trường tại ngân hàng kinh doanh Macquarie giải
thích.
Giá arabica trên sàn Ice New York tăng đẹp mắt. Với mức 180,30 xu/cân
Anh (cts/lb), giá sàn này đã tăng 53,10 cts/lb sau một tháng và tăng
68,9 cts/lb hay 1.519 đô la/tấn nếu so với mức đóng cửa đầu năm.
Thời tiết khô hạn và thiếu mưa dưỡng trái cho cây cà phê từ tháng 12
năm ngoái đến nay đã làm thị trường lo lắng. Tuy nhiên, theo bà Haque,
sản lượng sắp tới có thể quanh mức 53 triệu bao (60 kg x bao) so với ước
đoán ban đầu 56-58 triệu bao. Trong khi đó, một trong các hãng xuất
khẩu tên Terre Forte của Brazil ước trong khung 46-48 triệu bao.
Các ước đoán trên cũng trùng với các chuyên gia của ngân hàng kinh
doanh Commerzbank (Đức). Họ cho rằng con số 60 triệu bao được nhiều
người ước trước đây là quá lạc quan, nay chỉ chừng 50-55 triệu bao xem
ra “thực tế hơn”. Ngoài ra, do nạn bệnh nấm lá hại cây cà phê tại các
nước vùng Trung Mỹ cũng như tại Mexico, sản lượng mất đến 40%.
Đầu cơ làm mưa làm gió
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng này nói chỉ trong vòng một
tháng mà giá kỳ hạn sàn arabica tăng trên 60% tính từ đầu năm 2014 là
“quá đáng”. “Dù cho sản lượng Brazil năm tới có giảm xuống dưới 50 triệu
bao đi nữa, thậm chí năm tiếp theo mất mùa một trật nữa, thì giá kỳ hạn
chắc sẽ ổn định ở mức cao hiện nay”, họ nói.
“Chúng tôi tin giá arabica đã hết khả năng tăng mạnh và sẽ đi vào
giai đoạn củng cố. Từ đây đến cuối năm, giá cà phê này sẽ trung hòa
hơn”.
Thật vậy, lợi suất ba sàn kỳ hạn cà phê tính từ đầu năm đến nay tăng
rất tốt, sàn arabica tăng 62,4%, sàn kỳ hạn Brazil tăng 46,3% và sàn
robusta tăng 25,7%. Đầu cơ chuyển vốn sang đặt cược rất mạnh không chỉ
trên các sàn cà phê mà nhiều sàn khác. Nhìn vào biểu đồ trên, đã có 30
sàn giao dịch có lợi suất tăng trong khi chỉ 6 sàn giảm, nhưng rất nhẹ
(xin xem biểu đồ 2).
Sau một năm đưa giá hàng hóa xuống sâu, hình như đầu cơ đã mua khống
vào mạnh chờ thời. Nay là lúc họ đẩy giá tăng. “Hạn hán Brazil là có
thật. Nhưng đầu cơ tài chính sử dụng tin thời tiết ấy để làm giá nhằm
‘đục nước béo cò’ cũng là chuyện có thật”, nhà phân tích ở TPHCM nói.
Tính đến hết thứ Ba 18-2, các quỹ đầu cơ tài chính đã đưa số hợp đồng
mua khống tại 13 sàn kỳ hạn nông sản tại Mỹ lên trên 600.000 hợp đồng,
khi họ mua vào sẽ giúp giá tăng, bản tin trên Argimoney.com nói thế.
Giá tăng đẩy mạnh xuất khẩu
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2-2014 theo Tổng cục Thống
kê, ước đạt 160 ngàn tấn hay 2,67 triệu bao (60 kg x bao), tăng 59,4% so
với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, vẫn theo cơ quan này, tổng lượng xuất
khẩu cà phê trong 5 tháng đầu của niên vụ 2013/14 (tính từ tháng
10-2013) đạt 9.668.333 bao, vẫn giảm 18,5% so với cùng kỳ cách đây một
năm.
Xuất khẩu mạnh khi giá tăng, giá càng tăng càng bán mạnh sẽ là một
chọn lựa đúng vì đây chính là lúc tranh thủ cơ hội nâng giá trị hạt cà
phê và tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Trong kinh doanh hàng hóa,
thường có câu “bạo phát thì bạo tàn”. Giá lên nhanh nhờ đầu cơ lợi dụng
thái quá tin thời tiết. Đến một lúc nào đó, họ sẽ dừng để bán ra kiếm
lời bỏ túi. Với động tác này, giá lại sẽ xuống sâu và sẵn sàng bỏ lại
những ai cả tin vào thời tiết.